Ban Thơ Văn NHN-2019 - Lá Thư Số 14

  Tokyo Xóm học- Phùng Quân, Quỳnh Chi , Bùi Thòng-LQT, vinhtruong



Tokyo, ngày 22 tháng 2 năm 2019
  
Các anh chị thân mến,

Hôm nay thay vì giới thiệu nhiều về thơ văn của tác giả, tôi xin được viết về Xóm Học của mình, và rất mong sẽ được chia sẻ nhiều bài viết về thời SV thơ mộng của các anh chị.

* * *

Như thường lệ, mấy hôm trước, tôi gửi lá thư giới thiệu thơ văn đến các anh chị trong BTV trước khi gửi lên WW.
Lần này tôi không nhận được phản hồi về bài sáng tác đã giới thiệu mà về Xóm học, khi tôi viết về Xóm học Paris..
Anh Phùng Quân viết,

Vĩnh Trường có nhắc đến Paris và Xóm Học. 

Ừ mà, hình như chưa mấy ai nhắc đến Tokyo Xóm Học bao giờ nhỉ? 
Nếu có, thì chắc có lẽ cũng chỉ mơ hồ, ẩn khuất ở một nơi xa xăm nào đó trong tâm tưởng, 
như lối rẽ từ Okubo-dori, có con dốc nhỏ xinh xắn dẫn vào trường Nhật Ngữ, cư xá Kokusai... 
Hàng năm bốn mùa thay lá hay những ngày đông tuyết phủ, không gian vắng lặng như tờ! (PQ)

Vậy là, Tokyo Xóm Học của Phùng Quân là đây. Là khu OKUBO có con dốc nhỏ, có trường Nhật ngữ và cư xá Kokusai.

Thêm một người nữa đồng cảm, chị Quỳnh Chi,

Hàng năm cứ mỗi mùa lá rụng, khi đi dưới các hàng cây icho tôi lại nhớ tới bài hát này, nhớ những buổi học mà sau đó giáo sư của tôi dắt cả seminar ra quán cà phê ở phố Hongo San chome ..ngồi học tiếp.  
Hy vọng là các anh chị khác cũng mường tượng ra được các khu phố đại học có nhiều kissaten như vậy. (QC)

Vậy là, Tokyo Xóm học của Quỳnh Chi là Phố Học HONGO 3-CHOME.
Mới có 2 người mà đã hai Xóm học.
Và thêm người thứ 3 là tôi.
Xóm học của QC nằm ở phía Bắc ga Ochanomizu, gần đó có nhiều trường đại học nổi tiếng Tokyo, Juntendo,...  
Còn Xóm học của tôi nằm ở phía Nam ga này, nhưng xa hơn, khu JIMBOCHO. Cũng có nhiều trường như Meiji, Chu-O. Nihon-dai,... 
Nhưng hơn thế nữa, đây cũng là khu Thiên đường Sách cũ Jimbocho, chắc phải có đến hàng trăm tiệm sách lớn nhỏ dọc theo con đường Yasukuni-dori. Đặc biệt là hầu hết nằm ở phía nam con đường này, mặt hướng về hướng Bắc. Được nghe giải thích là để sách có chỗ trú ẩn, không bị cháy nắng vì ánh sáng mặt trời. 
Mà cũng phải, vì ở đây rất nhiều tiệm nhỏ, sách để trong tiệm thì ít mà để quanh tiệm thì nhiều. Mỗi tiệm lại được cá tính hoá theo sở thích của chủ tiệm, từ trình bày trang trí đến lãnh vực chuyên môn. Có những tiệm phải leo lên gác xép ọp ẹp mới tự tìm được sách mình muốn trong đống ngổn ngang. Làm như chủ tiệm muốn thử kiên nhẫn của nhà khảo cổ học trong việc kiếm tìm di tích. 
Khi muốn mua một cuốn chuyên ngành nào đó, mình có thể hỏi ở bất cứ tiệm nào, họ sẽ chỉ cho mình đến ngay phóc tiệm bán cuốn đó, đôi khi còn cho biết rõ cả giá tiền. Quả là chuyên nghiệp, không hổ là phố sách. 
Chắc vì có nhiều SV ngoại quốc, nên gần đó cũng có nhiều tiệm ăn nước ngoài, ngon và vừa túi tiền. 
Lần đầu tiên tôi được ăn những món ăn Liên Xô như Roll Cabbage - Thịt bằm cuộn bắp cải, Salad Nga - các loại rau củ đủ loại cắt hình hạt lựu trộn với Becon, với Ham và sốt Mayonnaise, hay Onion Soup in Pot Roast (Tsuboyaki 壺焼き) - Súp Hành có phủ bánh mì nướng nóng hổi đựng trong niêu, tại một quán nhỏ dưới hầm trên con dốc nối từ đường Yasukuni-Dori đến con đường dẫn đến Meiji-Dai. Tôi cũng được ăn món Cheese fondue nấu chảy của Thụy sĩ, những món Spaghetti không phải là Meet sauce hay Napolitan muôn thuở.
Vào những cuối tháng lãnh lương em tìm quán, tôi trả tiền. Nghèo nhưng vẫn Galant là tính của SVVN Cộng hoà mình.

Lang thang như thế nên tôi biết, có những quán được khởi nghiệp bằng tay nghề Lơ-tơ-mơ cửa những sinh viên các nước rồi dần dần thành quán chuyên nghiệp, hay dần dần biến mất. (Nhưng không phải vì thế mà tôi mở Vietnam Garden đâu nhé).
Và cũng biết thêm là ngoài sách, ngoài đĩa nhạc, ngoài những dụng cụ trong nhà cổ cũ, Xóm học Jimbocho còn rất rất nhiều thứ quý hiếm, những món hàng truyền thống được trân trọng, từ tranh ảnh đến các món nghệ thuật. Với tôi, xóm học này giống như một viện bảo tàng đẳng cấp thế giới, cỡ như Musée du Louvre Paris, Musei Vaticani Roma, hay cỡ như British Museum London,... Xóm họcđã cho tôi được sự an nhiên tự tại, nắm tay em đi dọc suốt một thời tuổi trẻ của hai đứa mà không bị mặc cảm mình là người đang thiếu thốn, thua thiệt trên đời.
JIMBOCHO là một khung trời dấu ái, tuyệt vời và đặc biệt trong tôi.

Nói về khung trời, tôi nhớ đến từ ghép quá ý nghĩa và dễ thương: Khung trời Đại học, đồng nghĩa với danh từ xóm học, đã được các sinh viên Saigon ở Văn Khoa gọi tên một cách văn hoa hơn.

Phạm Duy đã dùng từ ghép này trong bài hát rất nổi tiếng cho cuộc chia tay của sinh viên "Trả lại Em yêu". Nên ở Saigon khi nói đến Khung trời Đại học, thường chúng ta chỉ nghĩ đến "Con đường Duy Tân cây dài bóng mát", chứ ít ai nghĩ rằng Đại học Văn Khoatrung tâm của khung trời đại học đó đã đổi qua đường Cường Để thời hầu hết Exryu chưa thành sinh viên, một khung trời xanh ngát còn thơ mộng hơn cả con đường Duy Tân có lá me bay. 
Nghĩa là đáng lẽ, khi chiến tranh bắt đầu cần những người trai quả cảm thì nơi có những quán nước vỉa hè để anh "Uống ly chanh đường uống môi em ngọt"trước khi "Ra đi chẳng mong ngày về", đúng ra phải là khu khuôn viên Thành Cộng Hòa đường Cường Để chứ không phải khu đường Duy Tân.  
Nghĩa là Saigon ít nhất cũng có 2 Khung trời Đại học từ những năm 1960 đó.

Và mỗi SV, kể cả Exryu chúng ta, chắc hẳn ai cũng có một khung trời đại học của riêng mình.

-  Xóm học của tôi có 1 nơi nuôi tôi thời đại học, đó là nhà hàng Jinsei.. 
   Tôi làm Baito, chạy bàn kiêm phụ bếp ở nơi có cái tên khá độc đáo này. Jinsei - Nhân sinh - 人生.  Tôi hay thắc mắc về cái tên này, nhà hàng ăn mà lại đặt 1 cái tên khá triết học. Cái tên làm đôi khi tôi phải khựng lại để ngắm khách, người này ăn để sống hay sống để ănnhỉ ?
Nhờ làm việc tốt nơi đây,  tôi giới thiệu được vài người bạn trí thức tay yếu chân mềm, có miếng ăn để sống, vượt qua khó khăn khi chưa tìm được việc làm xứng đáng với chuyên môn của mình.  
-  Xóm học của tôi có một người yêu là sinh viên ChuO-Dai. 
   Nên tuần 1,2 lần thế nào cũng được DE-TO (Date) tiết kiệm. Bằng cách hẹn nhau đi dạo phố sách cũ sau khi cô ấy tan học và trước khi tôi vào làm, mua những cuốn sách giá rẻ như cho, xong băng qua đường vào 1 quán cafe pha bằng túi vải. Nhỏ nhưng ấm cúng, khác hẳn những quán cafe hiện đại bây giờ. 
Đọc thì ít, mà trong phòng tôi lúc đó, nào là Tư Bản Luận, Mao Trạch Đông Toàn tập (tiếng Việt), nào là Bách khoa Từ điển (tiếng Anh), rồi những đĩa nhạc Jazzda diết của Billie Holiday thân thương, những đĩa nhạc trào lưu của ABBA, Album hòa tấu của Paul Mariat,... lăn lóc đầy phòng, và bây giờ chắc cũng còn lăn lóc đâu đó trong nhà kho.
Mỗi đêm đi làm về, mở dàn máy đã phải để dành tiền cả năm mới mua được - Pioneer Stereo Series 3000, dàn máy được chọn không phải vì âm thanh mà vì có dàn đèn màu xanh blue trải dài trên Ampli và Radio như trong khoang cabin của Pilot. 
Bật nút lên, đặt 1 đĩa nhạc vào là có thể tưởng tượng mình đang tự lái chiếc Boeing-727 đã đưa mình qua đây, mở cánh của thường đóng kín của tâm hồn, bay lượn được về khoảng trời quê hương dấu ái.
  
Nhạc Jazz và cuộc đời đầy trắc trở của Billie Holiday, sự nỗ lực vượt qua nghịch cảnh của Nat King Cole, và nhiều nhạc sĩ da màu nữa, đã là nguồn an ủi vô tận của tôi thời đó, và cũng là cây cầu trượt dốc từ túi tiền eo hẹp của tôi đến những tiệm sách, tiệm đĩa nhỏ ở Jimbocho.
Có những tối thỉnh thoảng có em, cùng ngồi sát vào chiếc lò sưởi dầu, vặn hết vòng cũng không đủ ấm, nên phải trùm thêm 1 chiếc chăn dầy. Chiếc chăn như tấm thảm thần đưa 2 đứa đến một vùng trời hạnh phúc khác.  

Có lẽ cũng như PQ, Xóm họccủa tôi cũng không phải là ở nơi có con dốc Meisei thơ mộng, dù tôi đã dành khá nhiều bút mực để viết về nơi này.  
Xóm họccủa tôi nằm nơi tôi chưa từng ở, chưa từng học được ngày nào...

* * * * *

Viết đến đây thì tôi nhận thêm được một Xóm học nữa trong Một Chút Saigon Thời Ấy của anh Bùi Thòng LQT, một Xóm học ở Saigon, có thể là 1 trong 2 Khung trời Đại học trên, cũng có thể là nơi 1 khác.

   Saigon xưa giăng đầy khu chuột ổ
   Sinh viên nghèo xa xứ độ qua đêm
   Gục đầu bên sách vở giấc êm đềm
   Tiếng rao gọi người ăn đêm vội vã

   Saigon đó nhớ thương tà áo trắng
   Theo chân em thầm lặng bước đến trường 
   Môi rụt rè chẳng dám ngỏ lời thương
   Về quán xó thả khói vờn theo nhạc (BT-LQT)

Xin tạm thời khóa sổ ở đây để mời các anh chị thưởng thức 3 Xóm học của 3 thi sĩ Exryu chúng ta nhé.

-  Quỳnh Chi với bản dịch bài hát Quán xưa phố họcGakkuseigai No Kissaten của Garo
Trong bài hát tôi thích nhất 4 câu dưới đây:  
   Toki wa nagareta
   Ano koro wa ai da to wa shiranaide
   Sayonara mo iwanaide
   Wakareta yo kimi to 

   Thời gian trôi mãi hững hờ 
   Trách ta ngày ấy quên câu tạ từ (QC)

Toki wa nagareta = Thời gian đã trôi qua,
đã được thi sĩ QC dịch mượt mà hơn,  "Thời gian trôi mãi hững hờ" 

Mỗi khi nghe bài này tôi thường hay tự hỏi ? Thời gian trôi mà trôi đi đâu nhỉ ?
Có bao giờ thời gian quay trở lại trong một không gian khác cho người-đã-vô-tình nói lại được lời Sayonara.

Cho NATuấn có cơ hội nói lời đã quên trên sân ga Aomori45 năm trước.
Cho QCcó cơ hội nói câu tạ từ mà ngày ấy đã quên, Trách ta ngày ấy quên câu tạ từ.

Và cho ước mơ của tôi được tham lam hơn một chút,
    Làm sao hoán vị được không gian
    Hay đổi thời gian phút lỡ làng
    Trở lại ngã ba ngày trắc trở
    Xoay chiều tà áo lạc sang ngang (Tampopo-vt)

-  Còn với thi sĩ Phùng Quân, anh xúc tích nhưng nhẹ nhàng hơn, thơ của anh đôi khi như một bông hồng nổi bật giữa các loại hoa khi lòng mình trải rộng. Đôi khi lại như một nụ hoa nhài khép kín nhưng vẫn nhả hương an ủi, khi lòng mình ủ rũ về đêm.
Nói như vậy chắc cũng chưa hẳn là chính xác, thôi thì mượn lời của anh nói về thơ anh vậy.

Thơ PQ thường khi chỉ là như vậy, đôi nét chấm phá, những morceaux chợt đến của tâm hồn.  
Chỉ ước gì được như chiếc lá thu phai, một hôm nào trời trở gió, rơi nhẹ, bám hờ trên vai áo giai nhân... (PQ)

Nên Xóm học của anh hẳn cũng chỉ như,  
    Nơi đâu cũng vẫn nơi nào ấy
    Có một dòng sông mây trắng bay.  (PQ)

-  Và Bùi Thòng LQT, những vần thơ bình dị, bàng bạc mà nặng trĩu những hỉ nộ ái ố của cuộc đời. 

   Saigon đó ngả đường sao nhiều quá
   Như ngả đời phức tạp họa tương lai
   Quê tôi đây thấm đượm một hình hài
   Gian khổ ! Đau thương ! Trần ai khoai củ (BT LQT)

  Thơ gì mà có cả khoai củ khoai mì (*1), đọc thơ anh tôi không tránh được cảnh vừa cười vừa mếu với một cảm xúc khó định nghĩa. Cảm xúc đó chạy rần rật một mạch không ngừng nghỉ, như mình phải đua Marathon sau chiếc xe đò cải biến chạy bằng than ở xa lộ Biên hòa những năm 80. Vừa thấy tức, vừa cảm nhận được sự chân thực đến đắng lòng, như một nỗi đau cao vời, như một nỗi đau còn dài...
Xin dành sự gọi tên cho cảm xúc đó cho mỗi anh chị đọc thơ anh. 

Thanmen, vinhtruong,

(*1) Thật ra BT-LQT đã khéo dùng một từ ngữ dân gian, nghe bình dị mà rất ý nghĩa. Trần ai khoai củ có nghĩa là : Tìm được miếng ăn khoai củ cũng thật là trần ai.


* * * * *

Xin mời các anh chị thưởng thức, tôi xin giới thiệu PQ trước,
1)   
    XƯA NGƯỜI XÓM HỌC

Mỗi mùa lá trổ xanh như ngọc
Lại thấy qua đi một khoảnh đời
Ví thử không quen người xóm học
Lấy gì khi nhắc chuyện xa xôi ?!

   PHÙNG QUÂN

2) 
Xóm học trong Quán xưa phố học, bài dịch bản Gakkuseigai No Kissatencủa QC. Xin mời các anh chị vừa nghe bản nhạc thời sinh viên rất Natsukashii này vừa thưởng thức nhé.

ガロ学生街の喫茶店

Quán xưa phố học

 Quán xưa ta vẫn cùng vào 
Vu vơ chuyện phiếm xôn xao luận bàn 
Ráng chiều trong bóng hoàng hôn 
Tìm về kỷ niệm cung đàn năm xưa
Quán quen bóng dáng học trò 
Giọng ca ngày cũ bây giờ tìm đâu 
Thời gian thấm thoát trôi mau 
Tiếc ta ngày ấy quên câu tạ từ
Người đi xa tắp nẻo mù 
Người về chợt biết tương tư . . tháng ngày 

Quán xưa em vẫn vào đây 
Cùng ta chuyện vãn vui ngày tháng qua
Hàng cây xinh vẫn nở hoa 
Phải em thấp thoáng vào ra trước thềm? 
Gíó thu hiu hắt ngoài hiên 
Hàng cây trút lá đứng yên đợi chờ
Thời gian trôi mãi hững hờ 
Trách ta ngày ấy quên câu tạ từ 
Khi về lòng thấy ngẩn ngơ 
Gặp nhau còn lại giấc mơ lỡ làng 

Quỳnh Chi phỏng dịch (28/9/2003)

Gakkuseigai no kissaten
( Sugiyama Kouichi)
Kimi to yoku kono mise ni kita mono sa
Wakemonaku ocha o nomi hanashita yo
Gakusei de nigiyaka na kono mise no
Katasumi de kiiteita Bob Dylan
Ano toki no uta wa kikoenai
Hito no sugata mo kawatta yo
Toki wa nagareta
Ano koro wa ai da to wa shiranaide
SAYONARA mo iwanaide
Wakareta yo kimi to 
Kimi to yoku kono mise ni kita mono sa
Wakemonaku ocha o nomi hanashita yo
Mado no soto gairoju ga utsukushii
DOA o ake kimi ga kuru ki ga suru yo
Ano toki wa michi ni kareha ga
Oto mo tatezu ni matteita
Toki wa nagareta
Ano koro wa ai da to wa shiranaide
SAYONARA mo iwanaide
Wakareta yo kimi to (x4)
Kimi to yoku kono mise ni kita mono sa
Wakemonaku ocha o nomi hanashita yo
Gakusei de nigiyaka na kono mise no
Katasumi de kiiteita Bob Dylan kimi to

3) Và Xóm học trong Một chút Saigon thời ấy của Bùi Thòng LQT, 

   Một chút Saigon thời ấy!!!

   Ngày Saigon mưa dầm dề tầm tã
   Đêm chói chang buông thả khắp phố phường
   Ánh đèn đêm lành lạnh nét kiêu sương
  Pha lẫn giọt mồ hôi vương gian khổ

  Saigon xưa giăng đầy khu chuột ổ
  Sinh viên nghèo xa xứ độ qua đêm
  Gục đầu bên sách vở giấc êm đềm
  Tiếng rao gọi người ăn đêm vội vã 

   Saigon đó nhớ thương tà áo trắng
   Theo chân em thầm lặng bước đến trường 
   Môi rụt rè chẳng dám ngỏ lời thương
   Về quán xó thả khói vờn theo nhạc 

   Saigon đó ngã tư vài cảnh sát
   Vài MP Quân cảnh bậm đầu môi
   Ngày mau đi đêm tối lặng qua trôi
   Thiêu thân đốt thuốc hôi trong quán nhỏ

Saigon đó đêm về tiếng bom nổ
Giật run giường bật trổ mạnh con tim
Chợt ầm ì vài phút bổng im lìm
Tiếng con trẻ đâu đây ghìm khóc thét

   Saigon đó ngả đường sao nhiều quá
   Như ngả đời phức tạp họa tương lai
   Quê tôi đây thấm đượm một hình hài
   Gian khổ ! Đau thương ! Trần ai khoai củ

   Saigon đó nhiều đêm ngày ủ rủ
   Tết đến thì đầy đủ các loại dưa
   Nhớ làm sao tiếng pháo đón giao thừa
   Má lặng lẽ rước Ông Bà về ăn Tết....

   ......
   Bốn bốn năm Saigon tưởng đã chết
   Tên vùi chôn tủi hận tận đâu đâu
   Ở nơi xa kẻ hoảng hốt lo âu
   Saigon mất ! Saigon tan ! Saigon không còn nữa

   Oh ! Xin thưa Saigon xưa còn đó
   Trong tim anh tim em của mọi người
   Ủ yêu thương Saigon vẫn xinh tươi
   Saigon đẹp lắm! Saigon ơi! Saigon bất diệt!

Bùi Thòng LQT

__._,_.___



.
 

__,_._,___

Popular posts from this blog

THƯ LIÊN LẠC SỐ 7 - 5/04/2019

Thông tin xe bus từ Hakodate airport về hotel

Thư Ngỏ Ban Văn Nghệ