Ban Thơ Văn NHN-2019 - Lá Thư Số 11

Giới thiệu thơ văn - Nguyễn Anh Tuấn




Tokyo, ngày 9 tháng 2 năm 2019

Anh Nguyễn Anh Tuấn mở đầu bài du ký của mình:

"Đi cũng là trở về" đã được anh dịch ra từ câu tiếng Anh "The journey itself is home".

Đây là 1 câu của đoạn dẫn nhập trong tác phẩm thơ văn kinh điển "Oku no Hosomichi" của "Thánh thơ" Basho, thường được dịch là "Lối lên miền Oku”, hay để rõ hơn Oku là ở đâu, Nguyễn Nam Trân (Sempai Exryu Đào Hữu Dũng) đã dịch là:  "Đường mòn miền Bắc". Đó chính là một chặng đường Tohoku trong Tour Du lịch Ngày Hội Ngộ 2019 của chúng ta năm nay.
Để hiểu rõ hơn "Đi cũng là trở về" mà NATuấn muốn nhấn mạnh, có lẽ nên đọc cả đoạn dẫn nhập của Basho mà Sempai  DHDũng  đã dịch sau đây:
"Ngày, tháng muôn đời vẫn là khách qua đường. Năm cũ ra đi, năm mới đến nhưng phận chúng có khác gì cái thân lữ khách, đi chẳng hề ngừng. Đối với kẻ lái đò trên sông nước hoặc người mã phu dắt hàm ngựa, họ đưa đón khách đến già, mỗi ngày đã là một chuyến đi, lấy cuộc đời vô định làm nơi thường trú đấy thôi."

Câu "Đi cũng là trở về" chính là câu "Lấy cuộc đời vô định làm nơi thường trú". Có lẽ đó là một ước mơ sâu thẳm trong lòng Nguyễn Anh Tuấn chăng ?
Nghĩ thế bởi đó cũng là ước mơ, và chỉ là mơ ước của tôi,  có lẽ cũng là của nhiều Exryu chúng ta ?

Exryu mình có rất nhiều người thích đi du lịch, mỗi người một cách khác nhau. Tôi học được nhiều thứ khi được đi chung hay qua những câu chuyện kể về các chuyến đi của các anh chị ấy.
- Tôi học được cách chụp hình cảnh với anh NDTiến, chụp hình chim với ông Bầu Phước Mập khi xách máy lang thang khắp cùng núi đá sông hồ ở mấy tiểu bang Utah, Wyoming, Nevada, Colorado, arizona,...
- Tôi học được anh NHHạnh những cẩn thận đến khắt khe, không biết tại tính cẩn thận của anh hay tại sau vài vố bị lừa ở VN ? Từ áo lụa Hà đông đến vòng tay cẩm thạch,... Nhưng nhờ vậy mà tôi không bị giựt giỏ xách ở Châu Âu, khi mấy cậu choai choai xáp đến cạnh mình.
- Tôi học được cách ghi lại nhật ký hay cách kể chuyện về những chuyến đi nơi chị Lê Thị Hàn, chị Đào Tơ, anh Huỳnh văn Ba, anh Đặng Hữu Thạnh, và rất nhiều anh chị khác,....
- Tôi đồng cảm được cách lang bạt không tháng ngày của TBM, lang thang như vô định mà thật ra đã được định theo một vector ngẫu hứng của tâm hồn. Tôi nghĩ vậy.
Tôi nghĩ vậy, bởi với tôi, tôi cũng thường tìm được một niềm vui lạ lẫm khi mất phương lạc hướng trong hành trình hay trong tư tưởng. Half the fun of the travel is the esthetic of lostness (Ray Bradbury).
Bài học này tôi và Đắc Đào cùng chia sẻ với nhau trong rất nhiều chuyến thả lỏng người cho mây nước cuốn đi, đôi khi còn kéo theo cô ÁnhNhà hoạch định đến từng centimet cuộc đời của Đắc Đào. Chắc cô ấy phải lắc đầu chào thua với những kế-hoạch-phi-thực-hiện của chúng tôi. Tối hôm trước ngôi bàn đến khuya và quyết định sẽ đi về hướng Bắc, nhưng sáng hôm sau lên xe rồi lại thay đổi đi về phương Nam. Có lẽ chúng tôi chưa bao giờ lấy khách sạn trước giờ Afternoon-Tea, trước khi bước vào 1 quán café có bánh ngọt ở 1 tiệm nào đó vừa tìm thấy trên internet hay thấy hấp dẫn quá vậy ta trên đường đi.
- Tôi học được cách mua và sử dụng JR-Pass, cách mướn wifi cho khách du lịch từ các anh chị Exryu. Nhờ đó có thể hướng dẫn lại cho bạn bè hay những đứa em mình khi qua Nhật chơi làm tụi nó lác mắt khâm phục ông anh sao hay quá, cái gì cũng biết.
Tôi nghĩ, ngay cả lãnh vực rong chơi này, exryu mình cũng đạt đẳng cấp lịch lãm cỡ... Nguyễn Công Trứ (smile!),
Chơi cho lịch mới là chơi
Chơi cho đài các cho người biết tay (NCTrứ)

Bởi chúng ta, người nào cũng được,
Trời đất cho ta một cái tài
Giắt lưng dành để tháng ngày chơi (NCTrứ)

Vâng, đúng là exryu mình mỗi người một vẻ mỗi kẻ một tài. 
Nhưng chắc không ai theo kịp Nguyễn Anh Tuấn nhà mình, có lẽ chàng phải là cháu đích tôn của người gần tên cùng họ: Nguyễn Tuân ? Một nhà văn tiền chiến, nổi tiếng với tập truyện ký "Vang Bóng Một Thời",  "Một Chuyến Đi",... cũng  là người nổi tiếng theo "Chủ nghĩa xê dịch" đã muốn "thuộc da mình làm va-li” để sau khi chết vẫn còn được đi khắp năm châu bốn bể. 

Tôi học được nơi anh Tuấn cách anh lôi cuốn người đọc vào được sự chuyển dịch giữa quá khứ và hiện tại. Cách anh trải kiến thức uyên thâm ra một cách dung dị, để chúng ta hiểu thêm về lịch sử văn hóa, phong tục tập quán của những nơi anh đến, bằng những câu chuyện bâng quơ với những người anh gặp trên đường. 
Như qua 1 vị cư sĩ anh cho chúng ta biết "Showa Daibutsu là tượng Phật Như Lai ngồi bằng đồng cao 21m, cao nhất Nhật Bản", qua 1 người cùng ngắm hoa đến từ Shizuoka, anh cho biết loại Tôm Sakura-Ebi nổi tiếng ngon là đặc sản không đâu đánh bắt được ngoại trừ vùng vịnh Suruga (tỉnh Shizuoka)". 
Những kiến thức ấy rất vô tình bước vào ký ức mình lúc nào không biết.
Tôi phục anh ở chỗ anh làm Clip, khi xem clip của anh, tôi như tìm thấy mình ngày xưa trong đó, thấy lòng mình được trải rộng ra với bạn bè và đung đưa với những âm điệu ưa thích của những bản nhạc thời exryu-jidai, mà anh đă chọn lọc lồng vào.
Tôi phục anh vì dù không phải người làm du lịch, nhưng cũng cố gắng cùng anh TDTòng tổ chức nhiều tour du lịch vừa túi tiền cho exryu chúng ta.

Anh làm được những điều đa dạng đó, vì anh là người đã nghiên cứu, học hỏi và bỏ nhiều thì giờ để kiểm chứng kiến thức, "điều chỉnh trí tưởng tượng với thực tế" trong những chuyến đi cùng khắp NB, nhiều hơn cả anh em ở NB chúng tôi. 
Đọc những bài ký sự của anh, tôi thấy anh đã lên đường trong nhiều tâm trạng.
Lúc thì dưới tâm hồn của 1 cựu học sinh miên man tìm về cố cựu, lúc thì trong vai người hướng dẫn tâm tình những chuyện tự nghiên cứu sưu tầm. 
Lúc thì như trên vó ngựa cô đơn của một samurai đi truy tầm lịch sử, lúc thì với áo Choàng Trắng và gậy Kim Cang theo dấu chân cao tăng Không Hải, hành hương 88 ngôi đền chùa linh thiêng ở 4 tỉnh Shikoku để tự khai sáng cho mình.
Nghĩa là chẳng những xê dịch về mặt địa lý rày đây mai đó như Nguyễn Tuân, mà còn tự xê dịch bản thân quá 4 chặng đường khai sáng của Phật giáo, ở NB gọi là Tứ Môn(四門)Phát Tâm(発心)Tu Hành(修行)Bồ Đề(菩提)Niết Bàn(涅槃)được tượng trưng cho 4 Đạo tràng ở 4 tỉnh Shikoku trên con đường hành hương Phật đạo (四国巡礼).

Anh Tuấn ơi, anh "Ngộ" ở "Đạo tràng" nào vậy ? Cho Kohai theo với.

Hôm nay, anh lại cho chúng ta đọc một hồi ký về chuyến đi lên AOMORI, và nhiều nơi nữa trên miền "OKU" của anh. Một miền mà anh viết,
"Thành phố nhỏ về đêm có một cái gì buồn buồn sâu kín như cái tên ngày xưa của nó, Michinoku no kuni (道奥国, Ðạo Áo Quốc) “end of the road.”. Chữ Oku (), áo, có nghĩa là sâu, sâu kín; tự nó, nó cũng đủ diển tả cái buồn như thăm thẳm, ở tận cùng, ở một nơi xa xăm, cách kinh đô Kyoto vạn dặm, đường xa". 
Anh bắt đầu câu chuyện bằng kỷ niệm của một ngày chia tay trên sân ga phủ tuyết, tuyết vẫn rơi mà sao nghe vẫn ấm cả lòng.
Chắc không phải vì những câu thơ anh trích dẫn, 
Làm sao em không rét
Cho ấm mộng đêm nay” 
Mà có lẽ vì anh đã khéo léo đưa hình ảnh một chiếc lò sưởi trong Yako Ressha sau câu thơ ấy, thay vì phải thổn thức chia tay như Cung Trầm Tưởng,
Lên xe tiễn em đi
Chưa bao giờ buồn thế 

Dù là tiễn anh chứ chẳng phải tiễn em.
Dù là một khởi đầu như thế này, đã có thể trở thành một mối tình rất đẹp,

"Cả gia đình cô đón tiếp tôi rất thân tình như người trong gia đình. Trong bốn tiếng ở đây ngồi uống trà, trò chuyện và ăn soba khuya chờ chuyến renrakusen, nhưng để lại trong tôi đầy ấp kỷ niệm của xứ tuyết này. Cô và cả gia đình đưa tôi trở lại sân ga, tôi vô tình chỉ nói được tiếng cám ơn trong lúc cô đứng trên sân ga lạnh và đầy tuyết vẩy tay chào".

Nhưng cuối cũng có lẽ nơi anh chỉ còn lại là một mối tình lặng lẽ cô liêu. Để rồi 45 năm sau mới dám quay trở lại. 
Tôi muốn tặng anh 8 câu thơ của tôi trong tình trạng đó ngày xưa, cũng là những ngày mới qua Nhật như anh,
Ta ngẩn ngơ ngắm mối tình câm
Như tiếc như thương một lỡ lầm 
Mải trách thời gian vô tình quá 
Giật mình mái tóc đã hoa râm (vt)  

Và có lẽ anh cũng đã tránh sân ga đó, tránh những người em sinh viên trường Meiji-Dai bởi,
Ta ngại sân ga em đã qua 
Gặm nhấm thương đau đến mù loà
Ta tránh người em mang sách vở
Vô tình gợi nhớ tháng ngày xa (vt)

Bài viết của anh khá dài, đưa chúng đi hết nơi này đến nơi khác bắt đầu,
Từ những "Yako Ressha của tuổi học trò", nơi mà anh và "các sinh viên trạc tuổi mình, quây quần bên cái lò sưởi bằng than đặt giữa toa, kể cho nhau nghe về trường mình, kể cho nhau nghe về mình".
Đến những "xe hoa của Nebuta Matsuri" "lảnh giải nhất vài năm trước, đọc những câu chuyện lịch sử, mà từ đó trở thành chủ đề (theme) của tác giả, người vẽ lên, dàn cảnh lên, những hỷ, nộ, ái, ố, trên những chiếc xe hỏa.
Ta mới thấy cái công trình của tác giả, mới thấy thích thú và cảm ơn sự đóng góp nghệ thuật của người làm ra tác phẩm".  

Anh đi từ Omori qua các vùng đông Bắc xuống đến Sendai, toàn là những nơi chúng ta sẽ cùng nhau đi qua trong Tour du lịch sắp tới này. Chắc chắn như anh nói, chúng ta sẽ không được ăn Sakura-ebi, nhưng biết đâu sẽ được BDL cho ăn Tsuruga Teishoku (津軽定食) hấp dẫn, nhờ đọc bài này của anh.
Cũng trên đường đi đó, chúng ta sẽ gặp những vần thơ Basho được người đời khắc lên trên đá. Để bây giờ nhìn lại, tưởng chừng như ngày xưa trong một khoảnh khắc tĩnh mịch, ve sầu đã cất tiếng hát, vi vu lên không trung rồi âm thầm ngấm sâu vào phiến đá mà lưu giữ được thiên thu.
静かさや岩に浸み入る蝉の声 
Shizukasa ya   Iwa ni shimiiru    Semi no koe    (Basho)
Tịch mịch quạnh hiu sao  -  Rền rĩ tiếng ve sầu  -  Như thấm vào thớ đá   (Nguyễn Nam Trân dịch).

Thưa các anh chị,

読書の秋Dokusho no Aki - Mùa Thu Đọc Sách.

Có lẽ đây chẳng phải là nét riêng của NB dù là mùa này số lượng sách in được bán ra ở đây nhiều gấp 2,3 lần các mùa khác.  
Mùa thu là mùa mà đêm bắt đầu dài hơn ngày, không khí cũng lạnh vừa đủ để chúng ta rúc trong chăn thả hồn vào những trang sách đẹp.  
Hy vọng các anh chị sẽ tạm đặt cuốn sách mình đang đọc dở dang xuống để bước lên chuyến tàu đêm "Yako Ressha" lên miền OKU cùng Nguyễn Anh Tuấn, chắc hẳn sẽ cảm nhận và hình dung được phần nào nơi chúng ta sắp đến, dù là chuyến đi khác mùa.  
Cám ơn các anh chị và cám ơn anh Tuấn đã ủng hộ NHN bằng bài du ký rất gần gũi với chuyến đi sắp đến của chúng ta.

Hassha ... All right...  発車... オーライ...

Thanmen, vinhtruong,

***** 

AOMORI, THÀNH PHỐ CỦA RỪNG XANH (青森) VÀ MỘT CHÚT GÌ CỦA “OKU NO HOSOMICHI” (おくの細道)
Mê’n tặng Thụ Ân, Kaori-san, anh Ðào Hữu Dũng, ông bạn Vũ An Ninh, ông bạn roommate Nguyễn Văn Tú, và ca’c anh chị Exryu.

Ði cũng là trở về
The journey itself is home. Matsuo Basho
Hôm nay nhận được bài thơ mới (Chiếc Khăn Tay Bằng Vải 木綿のハンカチーフ) của thi sĩ exryu Thụ Ân trong làn gió nhẹ của buổi đầu thu. Ðọc để thấy cuộc đời còn nhiều thú vị, nhất là Thụ Ân đưa ta về cái lứa tuổi biết mộng mơ, biết hờn tủi và có những cuộc tình chia ly. Từ ngày làm chuyến "Tây Du" tháng 5, tháng 6 vừa qua, và viết xong bài "Tây Du ký " (Tháng sáu Paris Tìm Nắng Hạ), người tôi như cạn sức. Không biết vì vừa mới từ Nhật trở về cuối tháng tư, để rồi ba tuần sau lên đường đến thăm thành phố ánh sáng Paris. Gặp lại bạn bè cũ, có đứa không gặp lại sau ngày "tuổi đá buồn " của tháng 4 năm 1975, hay trong lòng vẫn còn những nhung nhớ dòng sông Loire với những con đường vắng, đầy bóng mát tình tự, hay dòng sông Seine với ánh nắng chan hòa của buổi đầu hạ. Bên cạnh cuộc đời, còn có những nhọc nhằn trên bước đường xuôi ngược, có những gai nhọn mình có thể tránh được, nhưng đôi khi làm mình khó chịu đến nổi bận tâm, mà quên mất cuộc đời vẫn có nhiều người tốt, có lòng. Cuộc đời vẫn có hay, cái đẹp của nó. Hôm nay đọc được một bài đọc tuy đã biết, nhưng mình quá ơ hờ vì những cái gai bên đường đó: "Don’t get so caught up in the planning for the future that you forget to enjoy the present. Spend time with your loved ones. Don’t put off that trip you’ve always wanted to do. Make that big life change you’ve been dreaming of. Tomorrow is promised to no one". Ðúng như vậy, "Tomorrow is promised to no one". Tiếng Nhật có một tiếng rất hay, và đầy đủ "Hitogomi" (人混み), được hiểu theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng. Thôi thì quẳng cái phiền muộn vào ngỏ xó của của đời, "So throw off the bowlines. Sail away from the safe harbor. Catch the trade wind in your sails. Explore. Dream. Discover".
Tháng tư vừa qua, tôi có dịp thăm lại thành phố Aomori. Thành phố đầy
tuyết của năm nào, mùa đông năm 1973, trong luống nghĩ đông, tôi dừng
chân trên sân ga Aomori đầy tuyết phủ, chờ chuyến "Seikan renrakusen"
(青函連絡船) qua Hakodate trên đường đi Sapporo.
. . . . . . . . .
((( Xin mi các anh chị đc tiếp và xem nhiu hình nh đp trong Link dưới đầy ))) 


Popular posts from this blog

Thư Ngỏ Ban Văn Nghệ

THƯ LIÊN LẠC SỐ 7 - 5/04/2019

Thông tin xe bus từ Hakodate airport về hotel